logo

header-ad

CHĂM SÓC BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

CHĂM SÓC BÀN CHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Bệnh đái tháo đường thường gây ra nhiều biến chứng trong đó có biến chứng ở bàn chân. Theo Tổ chức y tế thế giới, bàn chân đái tháo đường được định nghĩa là bàn chân của người bệnh đái tháo đường với loét, nhiễm trùng và/hoặc phá hủy mô sâu, kết hợp với bất thường thần kinh và các mức độ khác nhau của bệnh mạch máu ngoại biên ở chi dưới.
Chăm sóc bàn chân đúng cách có thể ngăn ngừa được các biến chứng hoặc điều trị chúng trước khi chúng gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân, biến chứng và một số lời khuyên chăm sóc bàn chân tốt:
1. Nguyên nhân 
- Tổn thương mạch máu: Lượng đường trong máu cao gây xơ vữa động mạch, hẹp, tắc các mạch máu làm giảm lượng máu đến bàn chân, làm các vết loét lâu lành.
- Tổn thương thần kinh ngoại biên: biến chứng thần kinh ngoại biên làm giảm cảm giác như đau, nóng, lạnh nên khi phát hiện ra thì vết thương thường đã viêm nhiễm, lở loét.
- Nhiễm trùng: Lượng đường trong máu cao là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển làm cho các tổn thương ở bàn chân lâu lành hơn, dễ nhiễm trùng. 1. Biến chứng tại bàn chân ở người bệnh đái tháo đường:
-  Nấm :  
+ Nấm da chân, kẽ chân làm cho da chân bị đỏ, ngứa và nứt da.
+ Nấm móng: Màu sắc móng thay đổi (chuyển sang màu vàng nâu hoặc trắng đục), móng dày sừng.
-  Vết chai.
-  Loét bàn chân: Vết loét thường nằm ở các vị trí hay bị tì đè như gan bàn chân, đầu ngón chân, đặc biệt là ngón cái và ngón út
-  Ngón chân khoằm.
-  Móng chân mọc ngược: Móng chân mọc ngược xảy ra khi các cạnh của móng mọc đâm vào da gây sưng, đau, chảy mủ và nhiễm trùng. 
 
Hình ảnh: Tổn thương bàn chân do đái tháo đường 
2. Chăm sóc bàn chân 
Biến chứng loét bàn chân rất phổ biến ở người bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến cắt cụt chi. Do đó, việc nhận biết và phát hiện sớm vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số lời khuyên chăm sóc bàn chân:
- Kiểm tra bàn chân hàng ngày:
+ Xem có vết xây xước, mụn nước, vết chai… nào không. Nên chọn một thời điểm cố định trong ngày để dễ nhớ, chọn nơi có ánh sáng tốt để kiểm tra.
+ Kiểm tra sự phát triển của móng chân xem có bất thường, móng quặp vào trong không.
+ Kiểm tra nhiệt độ: Sờ 2 bàn chân để so sánh xem có sự thay đổi nhiệt độ không. 
+ Kiểm tra cảm giác: dùng kim châm nhẹ đầu ngón chân xem có đau không.
+ Kiểm tra vận động: xoay cổ chân, gấp duỗi gối…
 
Bệnh nhân cần thường xuyên kiểm tra bàn chân
phát hiện sớm dấu hiệu bất thường.
- Vệ sinh bàn chân sạch sẽ: 
+ Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm. 
+ Không ngâm chân quá 05 phút. 
+ Lau khô chân ngay sau khi rửa xong, đặc biệt các kẽ ngón chân. 
+ Bôi kem dưỡng cho các đầu ngón chân và gan bàn chân (nếu khô) nhưng không bôi kem vào kẽ các ngón chân.
- Chăm sóc móng chân:
+ Không để móng chân mọc quá dài.
+ Cắt móng chân ngay sau khi tắm, móng sẽ mềm và dễ cắt.
+ Cắt móng chân theo đường ngang.
+ Dùng giũa để giũa những góc sắc nhọn, những cạnh thô ráp và những móng chân dày.
- Đi giày, dép và tất phù hợp với bàn chân.
- Phòng tránh bỏng bàn chân: Không sưởi ấm chân bằng lò than, đốt ngải… dễ gây bỏng.
- Hạn chế đứng lâu, giảm áp lực lên bàn chân. Khi ngồi trên ghế nên thường xuyên di chuyển ngón chân và mắt cá chân nhiều lần trong ngày và không ngồi bắt chéo chân trong một thời gian dài.
- Chăm sóc bản thân và bệnh tiểu đường: Làm theo lời khuyên của bác sĩ về dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ mức đường trong máu của bạn trong phạm vi theo chỉ định của bác sĩ.
- Đến cơ sở y tế khi gặp các biến chứng tiểu đường: Khi tổn thương da, hay có cục chai sần ở bàn chân... không nên tự xử lý tại nhà mà phải đến cơ sở y tế khám để được điều trị kịp thời và được hướng dẫn chăm sóc đúng cách để tránh biến chứng nặng hơn.
- Hãy thực hiện ngay từ bây giờ:  Bệnh nhân đái tháo đường hãy tự chăm sóc bàn chân của mình ngay từ bây giờ dù chưa có biểu hiện gì. Lên kế hoạch chăm sóc theo các bước đã nêu trên. Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc chăm sóc bàn chân của bản thân./.
                                                                                    Hà Thị Lưu
                                                                                 ĐD Khoa Nội Tổng Hợp